Làm gì sau khi tốt nghiệp trường tiếng tại Nhật?
1. Đi xin việc
Để xin được visa làm việc tại Nhật Bản, bạn phải có trong tay nhiều thứ. Trong đó, Hợp đồng lao động chính thức với một công ty Nhật là thứ không thể thiếu khi các bạn muốn ở lại Nhật làm việc. Nếu không có một tổ chức hay công ty nào chấp nhận làm việc với bạn, trả lương cho bạn, đảm bảo tài chính cho bạn, bạn sẽ không thể có tư cách lưu trú ở Nhật. Công ty càng tốt cơ hội lấy được visa làm việc càng cao.
Chính vì thế, để có thể chuyển đổi visa ngay sau khi tốt nghiệp trường tiếng từ “du học” sang “làm việc”, các bạn cần phải bắt đầu đi xin việc ít nhất 1 năm trước khi visa hết hạn. Đối với nhiều người, đây là quá trình nỗ lực vất vả cả về thể chất, tài chính lẫn tâm lý nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, các bạn thường bị sốc hoặc mất tự tin do liên tục gặp thất bại khi đi xin việc. Khả năng xin việc phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn và khả năng tiếng Nhật của các bạn.
Những ai thường đi theo hướng này?
– Tốt nghiệp các trường đại học trong nước
– Tiếng Nhật N3 trở lên, giao tiếp tự tin.
2. Vào senmon (trường chuyên môn)
Đây là một lựa chọn khả thi đối với nhiều lưu học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp trường tiếng. Ở Nhật, trường chuyên môn (từ 2-3 năm) vốn dĩ là nơi đào tạo kiến thức mang tính thực tế, cắt bỏ những nội dung mang tính lý thuyết hay học thuật trong chương trình đại học, giúp sinh viên sau khi ra trường có thể lập tức làm được việc ngay.
Có rất nhiều trường chuyên môn tại Nhật, với mức độ từ thấp đến cao dành cho mọi đối tượng. Vì là trường “chuyên môn”, nên những trường mang tính kỹ thuật cao như cơ khí, ô tô…thường là trường được đánh giá cao. Ngược lại, những trường với “chuyên môn” mang tính chung chung như “business”, “biên phiên dịch”, hay “kinh tế – dịch vụ” thường được đánh giá thấp hơn một chút. Đặc biệt, đôi khi có những trường chuyên môn thực chất là trường tiếng Nhật được đặt dưới một cái tên khác. Lựa chọn trường senmon tốt và phù hợp cũng có thể làm tăng khả năng xin việc của bạn sau khi ra trường.
Tùy vào từng trường mà sẽ có mức độ khó khi thi vào khác nhau. Có một số trường chuyên môn yêu cầu tiếng Nhật N2 trở lên, hoặc điểm thi EJU từ 200 điểm trở lên. Nhưng có một số trường lại “thoáng” hơn, quy định với sinh viên các nước không sử dụng chữ Hán (như Việt Nam) thì chỉ cần tiếng Nhật N3, hoặc qua được bài kiểm tra tiếng Nhật do trường biên soạn.
Có nhiều lưu học sinh hiện nay vẫn còn chủ quan khi cho rằng mình có thể dễ dàng vào được các trường chuyên môn sau khi tốt nghiệp trường tiếng. Trên thực tế, các bạn cần làm việc có kế hoạch từ trước đó ít nhất 6 tháng đến 1 năm để đảm bảo có được một chỗ ở một trường nào đó. Thường các trường senmon sẽ bắt đầu tuyển sinh từ 9 tháng – 6 tháng trước khi khai giảng (tháng 4 và tháng 10 hàng năm). Vì vậy mà các bạn sinh viên cần cân nhắc nộp hồ sơ sớm, tránh việc nước đến chân mới nhảy.
Thêm vào đó, trường chuyên môn không phải là “trạm nghỉ chân” lâu dài cho các bạn. Ngay khi vào trường, các bạn sẽ lập tức bị cuốn vào guồng quay “đi làm thêm – đi học – đi làm thêm” tối ngày. Vì thường trường chuyên môn chỉ kéo dài 2 năm, sau khi học được 1-2 kỳ, áp lực về xin việc, visa, hay học phí sẽ lại tiếp tục tìm đến ám ảnh bạn. Trên thực tế, có nhiều trường hợp các bạn sinh viên sau khi học xong trường chuyên môn, lại phải nộp hồ sơ vào một trường chuyên môn khác để tiếp tục đi học và xin việc. Nhiều trường hợp sau khi tốt nghiệp tới 2 trường chuyên môn, các bạn vẫn không thể xin việc, hay xin được việc nhưng không xin được visa do nhiều bất cập về bằng cấp và chuyên môn.
Đối với lưu học sinh, trường chuyên môn nên được coi là như là “phương án B” khi các kế hoạch đi xin việc hay học lên đại học không được suôn sẻ.
Những ai thường đi theo hướng này?
– Lưu học sinh sang Nhật ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3, chưa có bằng cấp chứng chỉ gì ở Việt Nam, hoặc đã có bằng cao đẳng hoặc đại học ở Việt Nam, nhưng chuyên ngành đặc thù, có ít cơ hội việc làm tại Nhật Bản. Không xin được việc hay không vào đại học/cao học được.
– Tiếng Nhật tương đương N3
3. Vào đại học
Việc có bằng đại học sẽ giúp bạn có những kiến thức chuyên ngành sâu rộng hơn, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Ngoài ra, nếu đang theo học đại học, các bạn có nhiều cơ hội xin học bổng chính phủ hay các quỹ tư nhân, giúp giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho mình.
Ngoài ra, 4 năm học đại học còn giúp bạn có thời gian trải nghiệm cuộc sống tại Nhật Bản nhiều hơn, thông qua việc tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường, xây dựng các mối quan hệ sâu hơn với bạn bè và thầy cô, những người có thể sẽ giúp bạn rất nhiều trong sự nghiệp sau này. Thậm chí, học đại học với chế độ tín chỉ, được tự do và thoải mái khi sắp xếp thời gian biểu của mình, các bạn lưu học sinh còn có thể tìm được những công việc làm thêm tốt hơn, thu nhập cao hơn và học hỏi được nhiều hơn.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế rằng, việc thi vào đại học đối với lưu học sinh Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Lý do đầu tiên có lẽ là đề thi vào các trường đại học Nhật Bản thực sự “khó”. Các kỳ thi đầu vào thường đòi hỏi khả năng tiếng Nhật tốt, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu (chữ Hán). Thêm vào đó, cách ra đề thi cũng rất khác so với các kỳ thi đại học ở Việt Nam. Học sinh thường phải có vốn hiểu biết xã hội sâu rộng, hoặc kỹ năng làm bài tốt để có thể đỗ được các kỳ thi này. Để chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học, lưu học sinh cần có ít nhất 1 năm để học tập trung tiếng Nhật, luyện thi và chuẩn bị hồ sơ. Điều này đòi hỏi các bạn lưu học sinh cần lập kế hoạch chặt chẽ và thực hiện với tính kỷ luật cao.
Hiện tại, các trường đại học Nhật Bản đều cố gắng quốc tế hóa môi trường học của mình, và mở rộng tuyển sinh ra các nước khác. Nhiều trường có những chính sách tuyển sinh cởi mở, có các khoa và chuyên ngành tiếng Anh hoặc như áp dụng kết quả thi EJU hay JLPT, TOEFL hay IELTS trong tuyển sinh. Có trường chỉ xét duy nhất kết quả môn thi tiếng Nhật và phỏng vấn để tuyển sinh.
Những ai thường đi theo hướng này?
– Lưu học sinh trường tiếng Nhật hoặc trường chuyên môn
– Tiếng Nhật tốt, tương đương N2
– hoặc Tiếng Anh tốt (tương đương IELTS 6.5)
4. Vào đại học ngắn hạn (tanki-daigaku)
Đại học ngắn hạn là một hình thức đào tạo khá đặc thù nữa của Nhật Bản. Giống như trường chuyên môn, đại học ngắn hạn là một hình thức đào tạo thiên về kỹ năng làm việc thực tế cho người học. Với thời gian học khoảng 2-3 năm, đại học ngắn hạn giúp sinh viên có thể nhanh chóng tốt nghiệp và đi làm.
Điều đặc biệt là, đối với lưu học sinh, sau khi xin được việc làm và muốn chuyển đổi visa, bằng tốt nghiệp đại học ngắn hạn thường được coi như bằng tốt nghiệp đại học, và thủ tục chuyển đổi dễ dàng hơn bằng tốt nghiệp trường chuyên môn. Ngoài ra, các trường đại học ngắn hạn thường có liên kết với các trường đại học và sau đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học ngắn hạn, các bạn sinh viên có nhiều khả năng sẽ được trường tiến cử để học chuyển tiếp lên các bậc học trên, thuận lợi hơn nhiều cho các bạn sinh viên.
Vì vậy, trường đại học ngắn hạn đặc biệt phù hợp với các bạn sinh viên đã học 1-2 trường senmon. Với những người mà trở ngại lớn trong việc đi xin việc là bằng cấp trong khi không muốn dành tới 4 năm để học đại học, hoặc những bạn sinh viên đang học trường tiếng nhưng chưa thật sự tự tin với khả năng đỗ đại học của mình, vào đại học ngắn hạn có thể là một con đường vòng khả thi trong trường hợp các bạn muốn học tiếp lên đại học.
Tương tự đối với các trường chuyên môn hay đại học, các trường đại học ngắn hạn cũng thường tuyển sinh sớm ít nhất 6 tháng trước khi khai giảng. Các bạn lưu học sinh nên tìm hiểu kỹ hồ sơ và lịch thi để có kế hoạch hành động hiệu quả nhất.
Những ai thường đi theo hướng này?
– Các bạn sinh viên trường tiếng hoặc senmon
– Tiếng Nhật từ N3 ~ N2
5. Học cao học
Học lên thạc sỹ có thể giúp bạn cải thiện những điểm hay bị chú ý trong hồ sơ ví dụ như chuyên ngành. Với những chuyên ngành quá đặc thù hoặc khó xin việc tại Nhật như kế toán hay thiết kế, việc học lên cao học chuyên ngành kinh tế, thương mại, hay quản lý kinh doanh nói chung sẽ mở rộng vốn kiến thức nền của bạn và tăng cơ hội việc làm.
Thêm vào đó, hầu hết các trường tại Nhật Bản đều có các chương trình sau đại học bằng tiếng Anh, mở rộng cơ hội cho các bạn lưu học sinh.
6. Học dự bị cao học (kenkyusei)
Đối với các chuyên ngành cao học bằng tiếng Nhật, thường các trường có chương trình kenkyusei, kéo dài khoảng một năm để lưu học sinh cân nhắc và luyện thi vào cao học (thạc sỹ hoặc tiến sỹ). Tùy vào từng trường hay giáo sư hướng dẫn mà việc học dự bị cao học có thể căng thẳng, nhưng sẽ mở ra nhiều cơ hội về học tập và việc làm tốt cho lưu học sinh.
7. Về nước
Đối với những lưu học sinh Việt Nam sang Nhật với mục đích kiếm tiền, không học tiếng Nhật hay trau dồi kiến thức để mở rộng cơ hội việc làm của mình, các bạn nên về nước ngay khi hết hạn visa.
Lưu học sinh Việt Nam ở “chui”, ở quá hạn lưu trú đang là vấn đề khá nhức nhối trong cộng đồng người Việt tại Nhật. Đã có rất nhiều lưu học sinh sang Nhật mà thiếu sự chuẩn bị về khả năng ngôn ngữ, tài chính, không có kế hoạch chu đáo và quá phụ thuộc vào các trung tâm du học
Việc ở “chui” lại Nhật Bản làm thêm với mức lương tối thiểu sẽ không đủ để trả hết các khoản nợ họ đang có, mà ngược lại còn có thể khiến tình hình trở nên xấu hơn khi họ phải trả các khoản chi phí khi bị bắt giữ hay trục xuất về nước. Tệ hơn, việc phạm pháp tại Nhật hay bị trục xuất còn có thể tước đi của chính bản thân những thanh niên trẻ này những cơ hội việc làm, lập nghiệp khác khi họ quay về nước.
Hầu hết mọi người đều nghĩ đang ở Nhật mà quay trở về Việt Nam là một sự “thất bại”. Không hẳn như vậy. Thất bại là khi các bạn tiếp tục trốn tránh những trách nhiệm, những việc phải làm của mình, với tư cách là một người trưởng thành.